Chi tiết xem tại https://nhipsongkinhdoanh.vn/dhdcd-phuc-hung-holdings-cac-vuong-mac-phap-ly-ve-chung-cu-cu-ha-noi-se-som-duoc-thao-go-post3096370.html
Năm 2021, doanh thu Công ty mẹ của Phục Hưng Holdings (PHC) đạt 972 tỷ đồng, thực hiện 48,6% kế hoạch nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 46 tỷ đồng đạt 128% kế hoạch.
Kết quả doanh thu khiêm tốn do các nguyên nhân như ảnh hưởng của COVID-19, một số gói thầu giá trị lớn như HH2-Gamuda, E9 Phạm Hùng chưa thực hiện do chủ đầu vướng mắc thủ tục pháp lý. Cùng với đó là các dự án trúng thầu cuối năm chưa tạo ra nhiều sản lượng và giá nguyên vật liệu không ngừng tăng so với nền giá cao đã thiết lập từ năm 2020.
Lợi nhuận của Công ty vẫn vượt kế hoạch là nhờ có nguồn thu nhập từ dự án thi công và đầu tư từ các năm trước chuyển sang.
Công ty đã thu hồi 1.433 tỷ công nợ trong năm 2021 trong đó có hơn 100 tỷ đồng là từ các dự án nợ đọng trước năm 2021. So với doanh thu thực hiện trong năm, công tác thu hồi công nợ đã đạt kết quả tốt đảm bảo dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tiếp thị đấu thầu cũng là một điểm sáng trong năm 2021 khi Công ty trúng thầu 19 gói thầu với giá trị là 2.214 tỷ đồng, đạt 110% kế hoạch. Số lượng các dự án trúng thầu năm 2021 nhiều với giá trị mỗi gói thầu không quá lớn do Ban lãnh đạo đã kịp thời nắm bắt diễn biến của thị trường, chuyển hướng kịp thời từ phân khúc xây dựng các tòa nhà cao tầng sang các gói thầu nhà biệt thự, liền kề.
Công ty sẽ chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 8%. Dự kiến tổng mức chi trả là khoảng 40,5 tỷ đồng.
Năm 2022, PHC đặt mục tiêu doanh thu là 2.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 60 tỷ đồng, giá trị hợp đồng ký mới là 2.700 tỷ đồng. Công ty sẽ tục phát huy các kết quả đã đạt được, tập trung phát triển Bất động sản theo hướng xây dựng khu đô thị tại các thị trấn, thị tứ và cải tạo chung cư cũ. Cùng với đó, chú trọng mảng thủy điện, năng lượng tái tạo như triển khai Nậm Núa 2 và ĐMT Long Sơn.
Chung cư cũ có nhiều cơ hội, vị thế nhà thầu của PHC đang đi lên
Phần thảo luận, cổ đông Doãn Hồng Nhung, Phó ban pháp chế của Hiệp hội BĐS Việt Nam đánh giá cao ban lãnh đạo của PHC đã có bước tiến thận trọng 2 năm vừa qua. Nhiều doanh nghiệp xây dựng đã phá sản và gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh 2 năm kéo dài. Cổ đông này góp ý cần cân nhắc thêm nhiều dự án Bất động sản đặc biệt là các dự án chung cư cũ có thể nâng tầng, tăng chiều cao.
Theo bà Nhung, đỉnh sóng năm vừa rồi đã đẩy giá lên rất cao nên khó có người mua. Nhà đầu tư BĐS đã vào thời kỳ rút vốn, cắt lỗ nên cần phải thận trọng. Việc chú ý tới quy hoạch thủ đô và các khu vực khác sẽ giúp cho tăng giá trị dự án, nâng cao vị thế của PHC.
Ngoài ra, ở góc độ người có chuyên môn về pháp luật, bà Nhung cho rằng các hợp đồng bán nhà của Công ty nên bám sát Nghị định 02 về hợp đồng, nên kiểm tra các quyết định chào bán bởi các chủ đầu tư có thể bị phạt nếu không cập nhật.
Trong khi đó, khi được chất vấn về danh mục dự án Bất động sản và việc hạch toán doanh thu, ông Trần Huy Tưởng, Thành viên HĐQT cho biết Nghị định 25 và trước đó là Nghị định 30 quy định về trình tự phát triển BĐS đã mở rộng nhanh chóng danh mục các dự án của PHC. Công ty hiện đang có 16 dự án đang thực hiện và đang quan tâm.
Trong Nghị định 25, yêu cầu năng lực chủ đầu tư, doanh thu và năng lực nên nhiều đối tác đã mời PHC tham gia với tư cách chủ đầu tư. Hiện đang có hơn 1/2 các dự án là do đối tác mời PHC tham gia.
Bên cạnh cơ hội làm chủ đầu tư, các đối tác cũng cam kết ưu tiên phần việc thi công cho PHC làm tổng thầu. Giá trị đem lại cho hoạt động xây lắp khoảng 5.000 tỷ đồng.
Các dự án BĐS có quy mô từ 5-25 ha trải dài từ các tỉnh phía bắc Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ vào tới Nghệ An. Đáng chú ý 4 dự án chung cư dự kiến có 180.000 m2 sàn vẫn còn một số vướng mắc nhưng trong thời gian tới sẽ dần được tháo gỡ.
Dự án đem lại doanh thu trong năm 2022 là Vạn Phú Shophouse. Hiện dự án đã thi công và sẽ bàn giao trong tháng 12/2022. Cơ bản đã hoàn thiện đường, hạ tầng và sau khi xin phép bán hàng dự án mới ghi nhận được doanh thu, dự kiến trong quý 3-4/2022.
Tuy nhiên, có thể có thêm nguồn thu BĐS nếu PHC chuyển nhượng phần vốn góp vốn với đối tác. Dự kiến doanh thu BĐS khoảng 50 tỷ đồng trong năm 2022.
Công ty ước tính, ghi nhận doanh thu quý 1/2022 là 411 tỷ đồng còn hết tuần vừa rồi doanh thu đạt 422 tỷ. Lợi nhuận quý 1/2022 chủ yếu từ xây lắp được tạm tính là 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, chưa có các khoản trích lập, dự phòng nên con số chính thức sẽ được phản ánh tại BCTC quý 1/2022.
Về Backlog (giá trị hợp đồng đã ký chưa thực hiện doanh thu), năm 2021 còn lại khoảng 1.790 tỷ đồng. Backlog trước năm 2021 chuyển sang gần 6.000 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, Công ty ký thêm được 984 tỷ đồng. Dự kiến từ nay đến cuối năm ký tiếp 1.700 tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trị backlog còn lại (chưa tính các hợp đồng dự kiến sẽ ký tiếp trong năm 2022) khoảng 8.770 tỷ đồng.
Về việc quản lý chi phí trong bối cảnh lạm phát, ban lãnh đạo cũng phải trăn trở việc dự phòng giảm giá thầu để cạnh tranh, đảm bảo nguồn cung việc. Nhóm giải pháp được đưa ra là ký hợp đồng vật tư, sắt thép với biên lợi nhuận cố định, cố gắng giảm hao hụt vật tư, giảm rác thải, đẩy nhanh tiến độ để cải thiện biên lợi nhuận hoạt động xây lắp.
Về quản lý công nợ, Chủ tịch HĐQT, ông Cao Tùng Lâm cho biết đã kiến nghị với Chính phủ về việc cần bổ sung bảo lãnh thanh toán đối với hợp đồng thi công giữa CĐT và nhà thầu là điều kiện bắt buộc. Tuy nhiên, hiện tại, các doanh nghiệp xây dựng chủ yếu phụ thuộc vào sự tự giác của chủ đầu tư. Cùng với đó, ông Lâm cũng cho rằng cần thay đổi các quy định về quyết toán, nghiệm thu để ràng buộc trách nhiệm với chủ đầu tư.
Trong thời gian qua, PHC không có liên hệ nào với các chủ đầu tư có vấn đề mà báo chí đề cập. Thậm chí, một số chủ đầu tư còn cho rằng chính sách của ban lãnh đạo là hơi chặt khi từ chối nhiều dự án. Nguyên nhân là bởi PHC có tiêu chí và danh sách lựa chọn chủ đầu tư có năng lực. Kể từ cuối năm 2021, vị thế của chủ đầu tư và nhà thầu xích lại cùng với đó là vị thế PHC đi lên nên Công ty cũng có quyền đàm phán trong các dự án.
Mai Hương