Chi tiết xem tại https://tuoitrethudo.com.vn/doanh-nghiep-xoay-xo-lo-thuong-tet-thoi-covid-19-184774.html?gidzl=7guWSwHC2dqGjI5qhreDUHQx9d6q3balNUbw8RS8LofTxYXmvrq6BGhfAd2q2W5t2UWYV32Crne_eKiEV0
MỘT NĂM SÓNG GIÓ VÌ COVID-19
Năm 2021 là năm khó khăn với doanh nghiệp, nhiều công ty bị gián đoạn sản xuất, thậm chí phải dừng hoạt động trong thời gian dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Từ giữa tháng 10, các doanh nghiệp tại một số địa phương mới được tháo dỡ các biện pháp phòng chống dịch, nới lỏng đi lại và dần trở lại sản xuất kinh doanh khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NĐ-CP “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” song vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Thực tế, khó khăn của doanh nghiệp sẽ tác động đến thu nhập cũng như thưởng Tết của người lao động. Đó là cũng là tình trạng chung trong năm nay, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, vận tải... và cả các doanh nghiệp bất động sản, tiêu dùng.
Trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực để giữ được việc làm và trả lương cho người lao động. Giờ cũng đã cuối năm, nhiều doanh nghiệp đang cố gắng tìm kinh phí để thưởng Tết cho người lao động, song vẫn có một số khác còn “chưa nghĩ đến”.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hồng Phúc - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings cho biết, năm 2021 thực sự là năm khó khăn với doanh nghiệp và ngành bất động sản cũng không phải ngoại lệ.
Theo ông Phúc, năm 2021, đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ 4, đợt ảnh hưởng nặng nề nhất kể từ dịch xuất hiện song ban lãnh đạo công ty sớm đã có phương án ứng phó nên cũng đã giảm thiểu được tác động của dịch bệnh.
Ông Phúc cho biết, ban lãnh đạo xem người lao động như tài sản quý giá nhất của công ty nên luôn đưa ra những chính sách phúc lợi nhằm đảm bảo đời sống của người lao động tốt nhất để giữ chân họ những lúc khó khăn, đặc biệt là như đợt dịch bệnh vừa qua.
"Công ty chúng tôi hiện là nhà đầu tư, nhà thầu thi công các công trình bất động sản, đợt dịch vừa rồi dù có nhiều chính sách đãi ngộ rất tốt cho người lao động nhưng vì hoàn cảnh gia đình và dịch bệnh nên nhiều công nhân đã phải về quê. Đến nay, dù công việc đã trở lại bình thường, nhưng công nhân vẫn thiếu", ông Phúc cho biết.
Ông Trần Hồng Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Theo đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings, trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đã đưa ra phương án đưa xe về tận quê để đón người lao động trở lại làm việc.
"Hiện tại các tuyến xe khách vẫn còn chưa hoạt động lại nhiều, chúng tôi đã cho xe của công ty về quê của công nhân để đón họ lên. Thậm chí, chúng tôi còn ứng trước lương gửi cho gia đình để người lao động an tâm làm việc", ông Phúc nói.
Về vấn đề thưởng Tết, ông Phúc cho biết, dù năm nay khó khăn, nhưng công ty cũng sẽ cố gắng vẫn thưởng tháng lương thứ 13 để động viên người lao động. "Năm nay rất khó khăn nhưng phúc lợi của người lao động chúng tôi vẫn phải xoay xở cho họ", ông Phúc chia sẻ.
VẪN LO THƯỞNG TẾT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Là doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng, bà Chu Thị Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến Hà cho biết, cũng như các doanh nghiệp khác, năm 2021 đơn vị này gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên ban giám đốc công ty dự kiến vẫn sẽ có thưởng Tết 2022 là tháng lương thứ 13 cho người lao động.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp lúc này còn “chưa nghĩ đến” việc thưởng Tết cho người lao động vì đang còn phải đau đầu tìm phương án phục hồi sản xuất kinh doanh cho công ty.
"Thực tế là chúng tôi chưa nghĩ đến việc thưởng Tết cho nhân viên, bởi lúc này vẫn đang bù đầu lo phục hồi sản xuất và tìm người làm với hy vọng kịp các đơn hàng đã ký kết. Nói vậy thôi chứ thưởng Tết cho nhân viên là không thể thiếu rồi", đại diện một doanh nghiệp ở Hà Nội chia sẻ.
Chăm lo Tết cũng là một cách giữ chân người lao động trong bối cảnh thiếu lao động như hiện nay...
Tại hội nghị cung cấp thông tin về tình hình công nhân, viên chức, lao động, hoạt động công đoàn diễn ra chiều 2/12, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, lúc này cả doanh nghiệp và người lao động cũng đang rất khó khăn.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, qua thực tế mà tổ chức công đoàn nắm được, rất nhiều doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội cao, vẫn đang nỗ lực ở mức cao nhất, chia sẻ lợi nhuận và thậm chí chấp nhận cả việc chưa lãi, hoặc lỗ để có thể giữ chân người lao động và giúp người lao động có một cái Tết cơ bản.
“Chăm lo Tết cũng là một cách giữ chân người lao động trong bối cảnh thiếu lao động như hiện nay”, ông Hiểu cho biết.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, năm nay, với việc thưởng Tết có thể bị giảm, lương tối thiểu không tăng, khó khăn đối với người lao động sẽ tăng thêm. Những nơi người sử dụng lao động chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chỉ đạo tăng cường công tác thương lượng.
Năm ngoái, theo khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, người lao động có mức thưởng bình quân là 2,34 triệu đồng/người trong Tết Dương lịch 2021. Mức thưởng cao nhất dịp Tết Dương lịch năm 2021 là 990 triệu đồng, tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại TP HCM.
Với Tết Nguyên đán 2021, mức thưởng bình quân gần bằng 1 tháng lương (6,36 triệu đồng/người). Mức thưởng cao nhất dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 là 1,07 tỷ đồng, tại doanh nghiệp dân doanh ở TP HCM.
Bài viết: Nguyễn Văn Huy