Doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn

29/12/2021 17:15
TTTĐ - Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng dù khả quan hơn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn hơn so với khối công nghiệp chế biến, chế tạo.

Chi tiết xem tại https://tuoitrethudo.com.vn/doanh-nghiep-nganh-xay-dung-van-con-doi-mat-nhieu-kho-khan-186779.html

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong số 6.209 doanh nghiệp ngành xây dựng trả lời khảo sát, có 52,4% đơn vị nhận định tình hình sản xuất, kinh doanh quý IV/2021 khó khăn hơn quý III/2021, 25,8% số doanh nghiệp nhận định vẫn ổn định, chỉ có 21,8% số doanh nghiệp thuận lợi hơn.

Dự báo quý I/2022 so với quý IV/2021, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng khả quan hơn với 21,3% doanh nghiệp dự báo hoạt động thuận lợi hơn, 27,7% nhận định giữ ổn định và 51,0% dự báo khó khăn hơn.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ lao động chung làm việc trong các doanh nghiệp xây dựng quý IV/2021 giảm 12,3% so với quý IV/2020 (lao động thường xuyên giảm 6,4%, lao động thời vụ giảm 17,7%).

Quý IV/2021, có 13,2% doanh nghiệp nhận định lao động chung trong ngành xây dựng tăng so với quý III/2021; 52,1% doanh nghiệp nhận định không đổi và 34,7% doanh nghiệp cho rằng lao động giảm.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp xây dựng, quý IV/2021 có 77,5% đơn vị cho rằng hỗ trợ của hệ thống hành chính Nhà nước cho doanh nghiệp giữ nguyên và thuận lợi hơn (54,7% doanh nghiệp nhận định giữ nguyên và 22,8% nhận định thuận lợi hơn); 22,5% doanh nghiệp cho rằng khó khăn hơn so với quý III/2021.

Doanh nghiệp xây dựng đối mặt nỗi lo thiếu lao động

Về tình hình vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, việc tiếp cận vốn vay từ hệ thống ngân hàng quý IV/2021 thuận lợi hơn quý III/2021 với 29,1% doanh nghiệp đánh giá tình hình vay vốn ngân hàng thuận lợi hơn; 24,5% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn.

Theo nhận định chung, mặc dù các biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi rộng đã được dỡ bỏ, chiến lược phòng chống dịch được chuyển từ trạng thái “Zero COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã có tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng vẫn còn rất nhiều khó khăn như thiếu lao động có tay nghề, thiếu vốn, giá nguyên vật liệu tăng cao gây bất lợi lớn cho doanh nghiệp do đã ký hợp đồng xây dựng tại thời điểm giá nguyên vật liệu chưa cao.

Do đó, để các doanh nghiệp xây dựng có thể phục hồi và tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, các nhà thầu xây dựng kiến nghị cần có các biện pháp nhanh chóng bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào cho ngành xây dựng.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng kiến nghị cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn bằng cách tiếp tục kéo dài thời gian giảm lãi suất vay ngân hàng, hỗ trợ vay ngân hàng lãi suất thấp; Thủ tục vay vốn ngân hàng thuận lợi, nhanh chóng hơn;

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cho rằng cần tạo điều kiện đấu thầu mở rộng; Đẩy mạnh công tác giải ngân đầu tư công đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước để các công trình không bị gián đoạn thi công.

Ông Trần Hồng Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings

Cùng với đó là việc gia hạn kiểm tra thuế để giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp; miễn giảm thuế, phí, kéo dài thời gian nộp thuế, lệ phí; Gia hạn, lùi thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp; Giảm mức tính lãi chậm nộp thuế cho doanh nghiệp;

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính công, đơn giản hóa thủ tục trình tự cấp giấp phép xây dựng để các công trình, dự án được thi công đúng tiến độ, tạo lập nhiều kênh thông tin để lắng nghe và chia sẻ, phản hồi lại các ý kiến của doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings, nhà thầu xây dựng lớn tại Việt Nam cũng thừa nhận, lao động cũng đang là vấn đề khiến ban lãnh đạo doanh nghiệp lo lắng, khi mới có được khoảng 70% số nhân công cần thiết.

Theo ông Trần Hồng Phúc - Tổng Giám đốc Phục Hưng Holdings, xây dựng là ngành đặc thù, cơ giới, tự động hóa không hỗ trợ được nhiều nên vẫn cần lượng lao động lớn. Tuy nhiên, hiện đang là thời điểm doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lực này.

Với riêng Phục Hưng Holdings, để giải quyết vấn đề lao động, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp như trực tiếp xuống địa phương tìm kiếm, tăng cường tuyển dụng thông qua các đơn vị cung ứng lao động, thậm chí còn bố trí xe đưa đón tận nơi, ứng trước tiền lương, cải thiện nơi ăn ở,... nhưng nhiều người vẫn chưa sẵn sàng trở lại thành phố làm việc.

"Chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng kết quả chưa nhiều khả quan, hiện giá nhân công đã tăng cao từ 30-40% mà vẫn khó tuyển người. Trước là người lao động tìm doanh nghiệp, giờ thì chúng tôi phải đi tìm lao động, vận động họ làm việc cho mình", ông Phúc chia sẻ.

Đáng nói, dù có tuyển được lao động, song vấn đề khác khiến doanh nghiệp đau đầu là chất lượng tay nghề. Đơn cử như tại Phục Hưng Holdings đang phải áp dụng chế độ cầm tay chỉ việc cho người mới theo nguyên tắc “một kèm một” để giúp lao động sớm quen với công việc, nâng cao năng suất.

Vì vậy, theo ông Phúc, để kéo người lao động trở lại làm việc thì không chỉ đòi hỏi nỗ lực của các nhà thầu, mà cần có sự chung sức từ nhiều phía, trong đó quan trọng là cần tạo được tâm lý yên tâm cho người lao động. Mặt khác, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần đẩy mạnh và sâu sát hơn các chương trình hỗ trợ giúp doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Văn Huy

TIN TỨC KHÁC

Loading...