Doanh nghiệp xây dựng tổn thất nặng trong dịch Covid-19

16/09/2021 09:37
Kinhtedothi - Dịch Covid-19 lần thứ 4 ở Việt Nam kéo dài với tính chất phức tạp, nguy hiểm hơn gấp nhiều lần những đợt trước, cộng với việc giá vật liệu xây dựng (VLXD) leo thang, khiến cho DN xây dựng bị tổn thất nặng nề, mất ít nhất khoảng 50% doanh thu. Sớm bình ổn giá VLXD là giải pháp được tất cả DN đưa ra trong thời điểm này.

Chi tiết xem tại https://kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-xay-dung-ton-that-nang-trong-dich-covid-19-435026.html

Doanh thu giảm mạnh

Số liệu điều tra từ Tổng Cục Thống kê, trong số gần 7.000 DN xây dựng đang hoạt động, đến 50% DN gần như không có doanh thu trong quý II và 2 tháng quý III/2021, 17% duy trì doanh thu ổn định, số còn lại doanh thu thấp chỉ đạt 20 - 30 kế hoạch năm. Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19, DN xây dựng đang tiếp tục phải đương đầu với những khó khăn do giá VLXD leo thang từ cuối năm 2020 đến nay mà chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Về chi phí nhân công, 38% DN nhận định chi phí nhân công trực tiếp tăng, 39,6% DN nhận định chi phí nhân công trực tiếp không đổi. Trong khi đó, 72% DN ngoài Nhà nước gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng.

Khoảng 50% DN xây dựng mất doanh thu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giá VLXD leo thang.

Chủ tịch HĐQT Phục Hưng Holdings Cao Tùng Lâm cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, giá VLXD tăng nhanh, thời gian đỉnh điểm tăng khoảng trên 40%, giai đoạn này đang ở mức 20 - 25%. Các loại VLXD công trình, như nhôm, đồng, sắp, thép, xi măng, nhựa, thiết bị điện - nước... đều tăng ít nhất khoảng 10%. Cùng với đó là những chi phí khác cho lực lượng lao động cũng tăng tối đa, như chi phí an toàn dịch bệnh, thù lao trách nhiệm, di chuyển, giãn cách tại chỗ...

“Việc tuyển lao động cũng khó khăn hơn do yêu cầu về điều kiện giãn cách xã hội, trong khi đó công suất hoạt động của DN xây dựng giảm ít nhất từ 50 - 70%, kéo theo doanh thu cũng giảm tỷ lệ tương đương. Đặc biệt ở vùng dịch dự án phải dừng hết, các tỉnh khác chỉ thực hiện cầm chừng, do sự lưu thông của cán bộ kỹ thuật, người lao động gặp khó khăn” - ông Cao Tùng Lâm chia sẻ.

Cần sớm bình ổn giá VLXD

Ngành xây dựng có đặc thù riêng, khác với nhiều ngành nghề, mặc dù hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng ngay cả khi dịch Covid-19 được kiểm soát cũng không thể phục hồi ngay vì còn phải phụ thuộc vào thị trường, nhà đầu tư cần thời gian để thực hiện thủ thục đầu tư, bố trí nguồn tài chính, sắp xếp lại hoạt động công việc.

“Ngành xây dựng có độ trễ hơn nhiều so với các ngành du lịch, dịch vụ... Như vậy, có thể khẳng định sự phục hồi của DN xây dựng sẽ chậm hơn so với ngành nghề khác. Vì vậy rất cần sự can thiệp của Nhà nước, trước hết là bình ổn giá VLXD trên thị trường, sau đó đưa ra những chính sách hỗ trợ khác, như: giãn giảm thời gian đóng các khoản thuế, bảo hiểm, tiền lãi vay ngân hàng...” - ông Cao Tùng Lâm cho biết thêm.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, DN xây dựng đều vô cùng khó khăn nên kiến nghị Chính phủ hỗ trợ một số biện pháp, cụ thể: Dừng thu bảo hiểm xã hội 6 tháng cuối năm 2021 cho tất cả lao động thời vụ ký hợp đồng lao động từ dưới 6 tháng tại DN xây dựng (vì lao động thời vụ nông nhàn là một đặc thù của ngành xây dựng Việt Nam, hiện nay do tình hình dịch bệnh, công việc phải dừng, công nhân phải ở tại chỗ không có thu nhập). Đây là một vấn đề bức xúc mà toàn bộ DN xây dựng đều tha thiết mong muốn quan tâm xử lý.

Cùng với đó, đề nghị giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng từ quý II/2021 sang đầu năm 2022 (khối lượng nghiệm thu hoàn thành đến quý 2/2021 đã xuất hóa đơn nhưng chưa thanh toán); Giảm 50% thuế thu nhập DN từ tháng 4 - 12/2021 cho tất cả DN xây dựng. Ngoài ra, khoản vay ngân hàng phục vụ cho công trường, dự án phải dừng thi công do giãn cách chống dịch được tính lãi suất 0%; Hoãn nộp tiền sử dụng đất cho DN đến hết năm 2021, đồng thời xây dựng phương án giảm giá thuê đất đặc biệt đối với diện tích đất làm nhà kho, xưởng phục vụ thi công, sản xuất.

“Sự can thiệp của cơ quan Nhà nước là điều rất quan trọng lực này, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Sở xây dựng các địa phương cập nhật kịp thời, chính xác đơn giá VLXD để áp dụng cho công trình dùng vốn ngân sách, có được đơn giá chính xác, phù hợp tránh làm thiệt thòi cho nhà thầu xây dựng” - ông Nguyễn Quốc Hiệp kiến nghị.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cũng cho rằng, các địa phương cần thống nhất một quan điểm về giãn cách xã hội, những khu vực “vùng xanh” hướng dẫn cho phép DN xây dựng hoạt động trở lại căn cứ theo tình hình thực tế, không thể cấm đồng loạt giống như khu vực “vùng đỏ”, một số địa phương đang thực hiện có phần cứng nhắc quy định theo Chị thị 15, 16 của Chính phủ.

Đại diện nhiều DN chia sẻ, vấn đề tiêm vaccine cho lực lượng lao động trong ngành xây dựng cần được quan tâm hơn. Thực tế việc này chưa được xem xét, đề nghị ở đâu có công trường thì địa phương đó sẽ bố trí tiêm vaccine cho công nhân công trình nơi đó để đủ điều kiện trở lại làm việc. Bên cạnh đó, cần sớm thực hiện cơ chế hỗ trợ tài chính đến nhóm người này.

Theo đánh giá, ngành xây dựng, bất động sản tác động kéo theo sự phát triển của khoảng trên 90 ngành nghề khác, trong đó có lĩnh vực sản xuất VLXD. Vì vậy, Chính phủ cần sớm đưa ra những giải pháp “khai thông” khó khăn của DN xây dựng, để đảm bảo sự tuần hoàn cho toàn nền kinh tế và sớm phụ hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

“Dịch Covid-19 cùng với giá cả VLXD tăng nhanh có tác động tiêu cực đến hoạt động của DN xây dựng, bên cạnh đó cũng gây nên những tác động xấu cho nhiều ngành nghề khác, đặc biệt là bất động sản. Chi phí xây dựng tăng, kéo theo giá nhà cũng tăng, người thu nhập thấp càng khó khăn hơn trong việc sở hữu nhà ở” - Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính.

“Để phát triển bền vững trong thời gian tới, tôi cho rằng, cần tiếp tục xây dựng “Chính phủ kiến tạo”, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính giúp cộng đồng DN nói chung và DN xây dựng, bất động sản nói riêng hoạt động thuận. Trong năm 2021, nếu tháo gỡ được những khó khăn trên thì ngành xây dựng, bất động sản sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển” - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng.

BÀI & ẢNH: DOÃN THÀNH

TIN TỨC KHÁC

Loading...