Ngày 8/9, Đại hội Đại biểu Hội Kỹ sư xây dựng Việt Nam nhiệm kỳ II (2022 - 2027) đã diễn ra tại Hà Nội. Đại hội lần này đánh dấu bước phát triển mới của Hội khi đổi tên từ “Hội Kỹ sư xây dựng trẻ Việt Nam” thành “Hội Kỹ sư xây dựng Việt Nam”.
Theo Chủ tịch Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam - Trần Đình Tùng, trong 5 năm qua, Hội tập trung vào các hoạt động dành cho sinh viên, kỹ sư xây dựng, kết nối – hợp tác và thiện nguyện. Đối với sinh viên, Hội chủ trì tổ chức nhiều cuộc giao lưu trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, tư vấn phản biện giữa các hội viên và chuyên gia; phối hợp với các trường đại học tổ chức các hội thảo chuyên ngành. Gần đây nhất, đầu năm 2022, Hội phối hợp với trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức Hội thảo trực tuyến “Cơ hội và thách thức cho kỹ sư xây dựng thời kỳ chuyển đổi số”.
Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định Hội kỹ sư xây dựng cần quán xuyến hết hội viên để bảo đảm quyền lợi cho họ và phản biện cơ chế chính sách với Nhà nước, cần phân công người cấp chứng chỉ kỹ sư. Ngoài ra, cần nâng cao đào tạo cho kỹ sư để tiếng nói của kỹ sư có trọng lượng hơn với cơ quan Nhà nước, đóng góp không chỉ cho ngành xây dựng mà còn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tin vào năng lực đổi mới của người Việt
Cũng trong buổi lễ, Toạ đàm với chủ đề "Kỹ sư Việt Nam vươn ra toàn cầu" đã được tổ chức với sự góp mặt của nhiều chuyên gia lớn trong ngành. Bàn về chiến lược vươn ra toàn cầu của Tập đoàn Hoà Bình, ông Lê Viết Hải Chủ tịch HĐQT Tập đoàn chia sẻ: “Trước hết ngành xây dựng Việt Nam cần xem xét có phải vươn ra nước ngoài hay không? Có điều kiện gì để thu hút cơ sở để có thể thành công khi vươn ra nước ngoài cũng như cần xác định lợi thế để phát triển ra nước ngoài".
Theo đánh giá của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, hiện nay xây dựng Việt Nam đang thiếu tiền, người có năng lực, có trình độ. Theo ông Hải, Việt Nam hiện có 3 lợi thế cạnh tranh chiến lược để bù đắp cho sự thiếu hụt đó. Cụ thể, trong khi các nước Đông Nam Á vẫn còn phụ thuộc vào nước ngoài rất nhiều, thì ở Việt Nam các nhà thầu đã thầu hầu hết các dự án lớn, yêu cầu kỹ thuật cao và đã thay thế nhà thầu nước ngoài từ lâu.
Bên cạnh đó, ông Hải tin vào năng lực đổi mới của người Việt khi từ trình độ thấp, nghèo nàn, lạc hậu đã áp dụng những công nghệ mới, máy móc thiết bị hiện đại, và xây dựng Việt Nam làm không thua gì các nhà thầu quốc tế. Năng lực đổi mới, sáng tạo và ứng dụng rất nhanh chóng của người Việt Nam cần tiếp tục phát huy.
Hiện nay, năng lực của các nhà thầu trong nước có thể ngang với quốc tế như Hàn Quốc và Nhật Bản, tuy không so sánh được với những công trình phức tạp như công trình lọc hóa dầu hay năng lượng hạt nhân nhưng công trình xây dựng nhà cao tầng thì không thua gì nước ngoài.
"Hơn thế nữa, chúng ta cần tự tin vào năng lực về chuỗi cung ứng cạnh tranh trong khi cả thế giới đang đứt gãy chuỗi cung ứng. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu xi măng lớn nhất thế giới năm 2013, xuất khẩu gỗ vào thị trường Mỹ đã vượt qua Trung Quốc,... Vậy nên, chuỗi cung ứng là một lợi thế quan trọng sẽ bù đắp cho những mặt hạn chế", ông Hải kết luận.
Bổ sung cho ông Hải, Chủ tịch Công ty Cổ phần xây dựng Phục Hưng Holdings - Cao Tùng Lâm nhận định việc vươn ra nước ngoài cần rất nhiều điều kiện, giỏi hơn là chưa đủ, chúng ta cần vị thế, vai trò của đất nước, quốc gia để có quyền lợi giải quyết tốt hơn những vụ tranh chấp tại nước ngoài. Vậy nên kỹ sư Việt Nam nên có những kiến nghị, phản biện với cơ quan Nhà nước về vị thế, điều kiện từ việc thủ tục lao động, chế độ tài chính cho các doanh nghiệp.
Theo quan điểm của ông Lâm, vươn ra toàn cầu không có nghĩa là phải ra nước ngoài, khi Việt Nam vươn ra toàn cầu là vị thế đang tương đương với kỹ sư, quản lý khác trên thế giới. Nhưng để có thể có được vị thế đó, kỹ sư Việt Nam cần học hỏi từ những nhà đầu tư nước ngoài sang và làm việc tại Việt Nam chứ không nhất thiết phải đi học tập tại nước khác.
Lê Thanh Hồng